Thứ Năm, 17 tháng 3, 2011

Về Quê ăn Tết

Tôi cũng hoàn cảnh như bao người VN trong cuộc mưu sinh vì nhiều lý do mà ly hương biệt xứ, có khi tận hai đầu đất nước Móng Cái – Cà mau, xa hơn nữa mãi bên trời Âu, Phi, Mỹ…Trong cuộc “thiên di” ấy cuộc sống luôn đặt ra cho mỗi người những thách thức lo toan phải vượt qua để thích nghi, tồn tại và hòa nhập. Quanh năm suốt tháng bận rộn để rồi mỗi dịp Tết đến Xuân về trong không khí náo nức chuẩn bị Tết, lòng ta chợt chùng xuống, cái cảm giác man mác xốn xang lại trỗi dậy trong lòng những đứa con tha hương, như bản năng thúc dục ta tìm về đoàn tụ với gia đình nơi chôn rau cắt rốn.
“Về quê ăn tết” ừ phải “về” chứ! May mắn là mình vẫn còn một Quê Hương để mỗi năm, mỗi tìm về .
GHI CHÉP DỌC ĐƯỜNG : Mua vé chuyến bay 7h30 tối 27 tết từ Saigon đi Hà nội, mãi 9:30 pm, máy bay mới khởi hành sau vài lần “xin lỗi quý khách…” Dù sao cũng còn may, nhiều rất nhiều người chực chờ mà chẳng mua được vé kìa.

Đáp xuống sân bay Nội Bài trời đã khuya, về quê cũng còn một chặng dài. Theo kế hoạch 21h30 thằng cháu sẽ đưa xe đến đón tôi cùng cái gia đình nhỏ của nó về quê luôn thể. Nhưng do giờ dây thun của hãng hàng không và chẳng muốn phiền nên tôi đành cám ơn lòng tốt của thằng cháu và alô rằng “chú đã sắp xếp được rồi”
Tôi ngoắc taxi Airport từ sân bay về bến xe Mỹ Đình, đến nơi tài xế lịch sự : “Bác cho em xin hai trăm tám” tiếng là gốc Bắc nhưng đường xá HN lại mù tịt, nhớ lời đứa cháu nhà ở HN đã dặn trước lúc lên đường “Taxi về đến bến xe Mỹ Đình chừng trăm tám, hai trăm là được” tôi thắc mắc:
-Sao mắc thế bác tài?
Trong tích tắc anh tài xế lịch sự đẹp trai hồi nãy biến thành gã trai với khuôn mặt “dài như cái bơm” và câu trả lời khô khốc:
- Giá công ty quy định ! Tết mà !
kèm theo tiếng dập cốp xe cái rầm như dấu chấm than không cần bàn cãi. Kiểu này cò kè cũng chả tới đâu, "Tết mà". Một lần nữa tôi ngạc nhiên chứng kiến sự kỳ diệu của tạo hóa mà sự biến đổi trạng thái trên gương mặt gã tài xế khi nhận tiền xong là một ví dụ. Với nụ cười sáng ngời và cái ngoắc tay : “Bái bai, chúc bác ăn tết vui nhé” chiếc taxi đảo một đường cua gấp, nhoằng cái đã mất hút vào đêm, hình như tôi nghe tiếng huýt sáo còn văng vẳng đâu đây.

Bến xe Mỹ Đình phục vụ các tỉnh phía bắc, ban ngày chả biết diện mạo ra sao chứ ban đêm như lúc này cũng lộn xộn và nhếch nhác như hầu hết các bến xe mà ta thường thấy. Sau một hồi lưỡng lự giờ này đến nhà bạn bè hay bà con ít nhiều gì cũng gây phiền hà , tôi quyết định kiếm một cái nhà nghỉ nào đó gần đây nghỉ qua đêm . Kêu một bác tài xe ôm lòng vòng và nhận ra ở đây người ta ngủ sớm, mới chừng 11h hơn chút mà phố xá đã cửa đóng then cài . Rốt cuộc cũng tìm ra một cái nhà nghỉ với cái tên như một công thức hóa học nằm cách bến xe chừng 500m . Tiếp khách là một Nhicolai chừng 16, 17 nhỏ thó nhưng cái miệng thì xóe xóe như máy khâu nào là phòng ốc “nịch sự, sạch đẹp an linh …Vào nghỉ đi chú…” !
Vào chứ đi đâu giờ, nhưng phải hỏi giá cho chắc ăn, cái máy ghi âm phát tức thì : “ Hai trăm rưởi phòng giường đơn, giường đôi…” Thôi giường đơn được rồi, chú em không thấy tớ đi có nhõn một mình à . “
Theo thằng nhóc lách mình qua lớp mành mành được kết bằng hột nhựa va vào nhau lách cách , trong ánh đèn mờ mờ, trước mắt tôi hiện ra ba ông cọp nhe nanh trợn mắt rõ to, chưa kịp vãi linh hồn tôi nghe một con cọp có cái bụng to nhất cất tiếng :
- Đưa chú lên gác đi !
Định thần nhìn lại hóa ra chỉ là hai cái bộ da cọp nhồi bông, còn cái ông cọp biết nói tiếng người có lẽ là chủ nhà nghỉ ! Bộ mặt ông chủ nhà nghỉ nhìn còn ngầu hơn hai con cọp kia dù ông ta chả nhe ra cái nanh nào.


Cậu bé hồi nãy đưa cho tôi một cái rổ nhựa be bé trong  đựng xâu chìa khóa có móc ghi số 308 , một cái lược nhựa và tuýp kem đánh răng suy dinh dưỡng cỡ nửa viên phấn cùng một bàn chải của đáng tội có thọc lút cán may ra mới chạm được những chiếc răng hàm trong cùng .
Một mình tôi leo lên “gác” mà người trong Nam vẫn gọi là lầu, phòng nhỏ cũng có vẻ tiện nghi với toilette vòi tắm nóng lạnh, máy điều hòa, ti-vi, thêm cái quạt treo tường. Bình dân thì vậy là ok rồi. Bụng réo ọc ọc nhắc chủ nhân từ hồi chiều tới giờ chưa có gì bên trong. Tôi lững thững rảo bộ xuống phố, trời giáp tết nhưng thời tiết cũng giống như Sài gòn lúc này mát mẻ về đêm . Hàng quán trong khu vực lèo tèo và đóng cửa sớm, kiếm mãi mới được một quán, kêu một tô cháo vịt nóng hổi sền sệt, chắc là bột gạo xay nhuyễn nấu lẫn với thứ gì đó được vằm nhỏ có mùi vịt, cũng có khi thịt vịt thật. Có lẽ không hợp khẩu vị nên tôi cố gắng cũng sực hết được nửa tô . Lang thang qua vài con phố giống nhau với đa số là Nhà nghỉ chen lẫn Hotel , chả có gì khám phá đành lững thững quay về nơi kế bên quầy tiếp tân có mấy con cọp đang nhe nanh trợn mắt đón chào.
Khoảng 3h sáng tôi thức giấc, bởi cái máy điều hòa ngưng hoạt động, remote bấm kiểu gì máy vẫn ỳ ra, phòng nhỏ lại chỉ có cái cửa sổ bé tí, đành mở cửa phòng bật quạt vù vù , nằm lơ mơ nghe tiếng động vọng vào qua ô cửa, cuộc sống của vùng đất ven Hà nội đang diễn ra, một ngày mới của năm cũ đang bắt đầu.
Trời sáng rõ, với mớ hành lý gọn gàng tôi được chú em họ chạy con ford đến đón về, trong lúc chờ đợi thêm vài người cùng quá giang, xe tấp vào dừng gần cửa bến xe . Có một khoảng thời gian quan sát thiên hạ, tay xách nách mang hối hả vào ra gọi nhau í ớ, trong rất nhiều kẻ đưa người đón, tôi chợt chú ý tới một cặp thanh niên đẹp đôi. Anh con trai lịch sự trong bộ vest sẫm màu , chân mang giày da láng cóng, tay mang găng , còn cô gái quần jean áo lông trùm đầu sáng màu. Họ dừng xe gắn máy ngay gần đầu xe bọn tôi, cô gái loay hoay móc bóp, có lẽ nàng mắc cỡ chẳng tiện nói bằng lời nên trao thư thổ lộ trước lúc chia tay, anh con trai đưa tay đón nhận…tờ 20 ngàn, cám ơn và vọt xe đi. Té ra là dân xe ôm!
Xe ôm Sài gòn ta dễ nhận thấy ở dáng vẻ bình dân lam lũ với con xe tàng tàng, xe ôm Hà nội thì khác, nhìn từ xe tới trang phục cứ như công chức.
Đường từ Hà nội về quê tôi, xe chạy qua nhiều khu quy hoạch tòa ngang dãy dọc, cầu vượt khá hoành tráng cái này đan cái kia tất cả đang dở dang, im lìm do công nhân đã về quê ăn tết. Xe chạy lúc như ma đuổi lúc tựa rùa bò một chân.
Xe chạy qua phố Nam Định rồi trực chỉ quê tôi: Hải Hậu. Trong lúc lắc lư theo cung đường xe  vượt qua các địa danh quen thuộc . Bến Đò Quan bây giờ chả còn bóng con đò nào thay vào đó một cây cầu lớn ngạo nghễ vươn mình vắt qua bến xưa . Phà Lạc Quần cũng đi vào dĩ vãng . Quê tôi có những địa danh nghe lạ lắm “ Lạc Quần” Giời ạ quần mà để lạc mất thì…xấu hổ chết. Ấy vậy mà theo các cụ thì đó là nơi “ quần tụ - an lạc” cho nên mới có chợ Quần Lạc. Người ta truyền tụng một câu đối :
Cô gái Lạc Quần đi chợ Quần Lạc bán lạc mua quần” đến giờ này không biết đã có vế đối lại chưa.
 Có một cây cầu tên là Cầu Vô Tình mà dân Nam Định chưa chắc mọi người ai cũng biết giai thoại về cây cầu này.
Chuyện kể rằng hồi ấy lâu rồi, có nhà nọ giời cho sinh được hai đứa con, một gái một giai tuổi sàn nhau ( chắc cách nhau một tuổi, các cụ xưa chưa có bao ok để kế hoạch chăng) hai đứa càng lớn càng xinh, chị em rất quý nhau. Kế nhà có một con sông rất đẹp lại thêm phần thơ mộng với một cây cầu bắc ngang. Ngày qua tháng lại thoắt cái hai đứa trẻ đã thành những trang nam thanh nữ tú tới tuổi cập kê. Một tối kia vào dịp giáp tết, trời tối đen như mực, giá rét căm căm, anh con trai nọ sau khi đã ngà ngà say ( chắc là đi off tất niên) chân nam đá chân chiêu cố gắng leo qua cầu để về nhà, ra đến giữa cầu anh ta đụng phải một bóng người con gái đi ngược lại, khăn trùm kín mặt, qua ánh lửa le lói hắt lại từ xa, anh ta thấy mờ mờ trong  đêm một dáng hình người con gái, bình thường hắn hiền lắm, hôm nay rượu làm hắn không hiền nữa, anh chàng đưa tay bóp ngực người con gái nọ. Là con gái nhà nành, đoan trang gia giáo cô gái lớn tiếng với kẻ đã dám xúc phạm mình. Đứa con trai như kẻ ngủ mơ choàng tỉnh , nó thảng thốt kêu lên: “Chị ” Người con gái đã lách qua bên kia chợt khựng lại . Không gian thời gian dừng lại, cái im lặng ghê người chỉ bị phá vỡ bởi hai tiếng rơi xuống mặt nước nối tiếp nhau.
Hai vợ chồng nhà kia đợi suốt đêm không thấy con về, sáng sớm hôm sau họ ra bờ sông, thấy có hai xác người nổi hai bên chân cầu, vội vàng vớt lên hai vợ chồng cùng ngất đi khi nhận ra đó là những đứa con mình. Để ghi nhớ bi kịch đó về sau dân làng gọi cây cầu ấy là cầu Vô Tình. Đấy là theo lời các cụ kể khi tôi còn bé.

TẾT QUÊ HƯƠNG: Mổi vòng quay của bánh xe đưa tôi về gần hơn với tuổi thơ ngày xưa. Qua cửa mở của xe tôi căng ngực hít đầy không khí phảng phất mùi đất xông lên từ những thửa ruộng mới đổ ải, thoang thoảng trong gió mùi của biển chỉ những cư dân vùng biển mới cảm nhận rõ nhất mùi vị đặc trưng này. Tôi nghe tiếng nói của các bà các cô vọng lên từ hai bên đường và từ bến xe chợ Cồn , vùng quê tôi người dân có kiểu nói đặc biệt ở chỗ hay kéo dài âm tiết ở cuối câu và lên xuống giọng giữa câu, nghe như hát . Lớp trẻ có người đi xa hay bắt chước “giọng lói Hà lội” riêng tôi vẫn nhớ cái giọng Hải Hậu thứ thiệt. Sau này đi đây đó tai mà nghe được âm điệu “bản ngữ” thể nào tôi cũng lân la hỏi thăm (anh,chị) người HH ạh ? Lần nào cũng trúng phóc.
Quê hương hiện ra vừa lạ vừa quen . Dòng sông Hàng Tổng ngày xưa vẫn cùng đám bạn cuổng trời bơi muốn đứt hơi chưa sang bờ bên kia, giờ nhìn lại sao nó bé đến thương. Cánh rừng phi lao các cụ bô lão trồng, cao vút xanh um làm cho cái nghĩa địa Lục Trùng với những ngôi mộ đất phủ đầy cỏ ban ngày là sân chơi của con nít tụi tôi, ban đêm trở lên huyền bí với vô số câu chuyện về ma làm dựng tóc gáy những kẻ can đảm nhất, giờ chẳng còn cây phi lao nào, chỉ thấy nhấp nhô những ngôi mộ mới cũ với đủ kiểu kiến trúc Đông Tây như một thành phố ma mọc lên giữa ruộng đồng trắng nước mênh mông.

Thời gian trôi đi nhanh quá ! mới đây mà đã mấy chục năm, mảnh đất này đã từng gắn bó với tuổi thơ tôi, vật đổi sao dời, Con đường làng uốn lượn rợp bóng tre ngày xưa giờ bê-tông hóa thẳng đuột vô hồn như bộ xương cá tỏa vào mọi ngõ ngách xóm thôn. Đâu rồi những hàng cau như những cây dù xòe tán che nắng, đâu rồi những hàng rào dâm bụt thắp lửa mỗi mùa hè,  chỉ thấy đâu đâu người ta cũng trồng cây sanh tỉa cành uốn thế, giá trị nghe bảo có những cây hàng chục triệu, hàng trăm triệu thậm chí vài tỷ đồng.

Đã được thông báo từ trước vậy mà niềm vui vỡ òa khi tôi từ trên xe bước xuống, kẻ nắm tay người vỗ vai, tiếng chào câu hỏi lao xao cả cái ngõ nhỏ . Thằng bé cháu đích tôn con anh cả lon ton một hai giành đẩy cái vali có bánh xe vào nhà.
Mẹ là người ra đón sau cùng, sức nặng thời gian và những nhọc nhằn sau bao năm nuôi đàn con đã làm lưng mẹ còng hơn. Mẹ năm nay đã bước sang tuổi 82
- Mới về hả con ?
Giọng mẹ vẫn điềm đạm như xưa, trong đôi mắt có phần mờ đục vì thời gian của mẹ tôi thấy lấp lánh niềm vui.
Tối hôm đó mấy anh em ăn bữa cơm mừng sum họp, trong không khí ấm cúng tôi ngước nhìn lên bàn thờ, bức chân dung bố tôi vẽ từ hơn mười năm trước vẫn còn nguyên như mới, từ khóe miệng của người như ẩn nụ cười mãn nguyện sau màn hương khói lung linh.

Đêm vùng quê xuống rất nhanh, cuốn mình vào chăn bông tôi nằm nghe tiếng những tàu lá ngoài vườn khua vào nhau, trời trở gió nhiệt độ cũng giảm, trời se lạnh, tiếng những con côn trùng, ếch nhái đưa tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.
Sáng nay tôi mới có thời giờ dạo một vòng quanh khu vườn nhà. Sau bao năm cảnh quan cũng thay đổi nhiều, có lẽ vừa trải qua một mùa đông giá rét nên cây cối trong vườn rụng lá trơ cành. Chỉ có mấy cây mít già thì lá vẫn mướt xanh.

( Vài hình ảnh chụp bằng "cục xà bông" )

Bờ ao


Vẫn còn một vườn chuối - lũy tre


Góc vườn bụi chuối trổ hoa


Giếng hoang với ba chàng hiu


Hạnh phúc " một anh ba nàng"


Hàng cây Sanh thay cho bờ hoa dâm bụt hay "cái dậu mồng tơi xanh dờn"



" ...Từng tiếng chuông ban chiều, tiếng chuông nhà thờ rung"
Nhà tôi thờ Phật , nhưng xung quanh rất nhiều nhà thờ Chúa.


Hôm nay là 30, ngày cuối cùng của năm Trâu. Mọi người cố làm nốt những phần việc còn lại để mấy ngày tết thoải mái vui xuân, người tranh thủ mua vài cân thịt, kẻ rửa lá dong chuẩn bị gói bánh chưng. Góc sân chú gà trống đẹp mã vô vọng đập cánh, thất thanh gọi các nàng mái tới giải cứu khỏi sợi dây thít chặt hai chân, có lẽ nó ý thức được chuỗi ngày huy hoàng bên các em đã hết, nó sẽ phải hy sinh cho sứ mệnh quan trọng trong đêm cuối cùng này.
Trong không khí chộn rộn khẩn trương, nhìn ông anh cả thoăn thoắt cho ra những tấm bánh chưng vuông thành sắc cạn , tôi cũng xắn tay làm thử : Với cái khuôn bằng gỗ cùng những thao tác gập góc lá dong, cho gạo, cho nhân, cột dây ( bây giờ người ta không xoắn bằng lạt tre nữa mà buộc bằng dây lynon) cuối cùng cái bánh made in thenhan cũng hoàn thành, nhìn cục mịch y như con người hắn vậy ! ông anh cả bảo:
“ Thôi chú để anh gói lại cho” tôi năn nỉ cứ để vậy, đây là cái bánh chưng đầu tiên trong đời do tôi tự gói lấy, thưởng thức món do mình chế tác chắc phải ngon và ý nghĩa lắm.
Công đoạn chuẩn bị đón tết nhà quê, mỗi nơi mang một sắc thái riêng nhưng tựu chung vẫn là cái không khí tất bật, lo lắng và hồ hởi, cho đến chập choạng tối mọi việc hầu như ổn định . Từ nhiều năm rồi góc sân nhà chỗ nền đất gần gốc cây mít, một cái bếp dã chiến lại được dựng lên. Trong ánh lửa bập bùng mấy anh em tôi trải chiếu ngồi quanh mâm cùng cụng ly hàn huyên chuyện mới cũ, những ly rượu nếp do chính mẹ tôi ủ men rồi nấu. Đã thành lệ năm nào cũng vậy cứ gần cuối năm mẹ tôi lại nấu một nồi rượu nếp duy nhất, không bán, chỉ để đãi khách và nhà dùng. Thứ rượu đổ ra mà châm lửa, ngọn lửa sẽ cháy xanh đến giọt cuối cùng. Mẹ bảo năm sau mẹ không nấu rượu tết nữa !
Ly đưa lên ngang môi chợt ngưng lại, tôi nghe tiếng tàu cau ngả vàng trên thân lắc lư nhẹ khua trong gió. Ngoài kia những giọt mưa nhỏ li ti mơ hồ phủ xuống, có hạt mưa nào sa vào hay hơi rượu nồng làm mắt tôi cay cay.
Mỗi người một câu, chuyện nhà chuyện cửa, chuyện của năm cũ, chuyện cho năm sau chả theo một chủ đề nào chắc còn dài mãi nếu giọng đọc của cô phát thanh viên truyền hình không nhắc nhở về thời khắc Giao thừa sắp đến gần.
Thời khắc quan trọng rồi cũng đến, mở đầu là tiếng chuông từ các nhà thờ nhà chùa trong vùng đồng loạt vang lên, bao cái tết xa nhà trong khoảnh khắc thiêng liêng đón chào năm mới cái làm tôi bâng khuâng nhất chính là những âm thanh này đây nó rộn rã ngân nga bổng trầm và hối hả, êm đềm mà tha thiết. Không có tiếng chuông ở đâu giống tiếng chuông quê tôi.
Điều làm tôi ngạc nhiên : Mặc dù lệnh cấm đốt pháo vẫn còn hiệu lực thế mà trên trời thì rực rỡ pháo hoa, dưới đất đì đùng pháo nổ.
Thật lạ giao thừa vừa xong đất trời như mở sang trang khác những hạt mưa phùn làm ướt mặt sân, tiếng côn trùng vang khắp ao vườn dấu hiệu trời đất thuận hòa.
Lòng bồi hồi mênh mang , tôi thầm mong một năm mới an khang thịnh vượng.

VẬT ĐỔI SAO DỜI
Theo thứ bậc trong dòng tộc bố mẹ tôi cũng thuộc “ngành trên” tục lệ từ bao đời vẫn thế “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thày “ kẻ dưới phải kính trọng người trên, vì vậy mấy ngày này nhà tôi lúc nào cũng đông vui, anh em con cháu cứ tíu tít như bầy chim. Nào cô dì chú bác, nào em nọ cháu kia làm tôi rối quá. Cái cô model như người mẫu đến bằng con xe hơi láng cóng kia hóa ra là con em con ông chú, lúc tôi còn ở nhà con bé thò lò mũi xanh, thế mà bây giờ …Chậc ! Mình già mất rồi.

Mấy ngày cao điểm trực phụ mẹ tiếp khách và đi chúc tết bà con dòng họ xong, mồng 4, tôi một mình một ngựa lang thang đầu làng cuối xã, cốt chỉ để tìm lại những dấu mốc ngày xưa.


Xe đưa tôi thăm lại thị trấn Cồn, một thị trấn nghèo bên dòng sông nhỏ,

người ta đã đốn hạ hết những cây bàng, cây phượng để kè đá bờ sông khiến nó như một con kênh dẫn nước tưới tiêu.
Tôi chạy xe vòng theo bờ đê, một lần nữa được hít thở không khí của biển cả, nhưng thời tiết lạnh quá , hôm qua  nghe đài báo nhiệt độ xuống 13, 14 độ.

Bãi biển vắng tanh không một bóng người

 Những lọn sóng nhỏ miên man lớp lớp ùa vào, lùi ra, rồi tan  trong lòng đại dương. một cánh chim lạc bầy cô độc nhằm hướng trùng khơi chấp chới sải cánh. Quang cảnh như một bức tranh với gam màu monotone. Tôi đi bộ xuống bãi biển, bãi cát phẳng phiu dài hút mắt, phía sau vết giày in trên cát lấm chấm thành một vệt dài quạnh quẽ cô đơn . Định tìm nhặt lấy một vài vỏ ốc nho nhỏ xinh xinh mà kiếm mãi không ra, nhớ khi xưa cứ mỗi kỳ nghỉ hè lũ bé con tụi tôi lại được dịp trốn nhà đi dầm mình trong những đợt sóng tung bọt trắng xóa, rủ nhau hôi rùng hay tung tăng tìm kiếm những con ốc, vỏ sò xinh xắn.

Bãi biển hồi ấy  vô số những con còng với cặp càng bên to bên nhỏ chạy nhanh như gió, đuổi bắt chúng quả là một trò vui, giờ chúng trốn đâu hết cả.
Gió từ ngoài khơi lồng lộng thổi vào mang theo cái lạnh cắt da. Cả một dải bờ biển dài vắng lặng chỉ nghe rì rầm tiếng sóng, tiếng ù ù của gió thổi bên tai.

Ngay sát bờ mấy con thuyền nhỏ nằm buồn bã, chơ vơ.

Xa hơn một chút những tàn tích của một kiến trúc xưa
chỉ còn trơ lại vài kết cấu cũ kỹ dầm mình trong những đợt sóng liên miên

Biển đang lở, cứ sau mỗi lần nổi cơn thịnh nộ biển đòi lại một phần những gì trước kia nó đã bồi đắp.

"Nhất thủy, nhì hỏa " sóng có thể cuốn trôi cả những con đê  
ghép bằng bê-tông đồ sộ như bức trường thành này.

Bất chấp những hiểm họa lẩn quất từ phía biển
 phía trong đê những làng mạc và cuộc sống thanh bình vẫn diễn ra .


“BAO NHIÊU NĂM RỒI CÒN MÃI RA ĐI”
Đêm cuối của hành trình về quê ăn Tết, trong căn nhà lưu giữ bao kỷ niệm ấu thơ tôi cố dỗ mình vào giấc ngủ, cái im ắng như tờ về đêm ở vùng quê làm tôi nao nao. Trong bản giao hưởng rả rích của muôn loài côn trùng vọng vào từ ngoài vườn tôi mơ màng nghe như có tiếng còi, tiếng xe, tiếng rì rầm của cuộc sống Sài Gòn vang vọng đâu đây.
Sáng mồng 7 theo đúng lịch trình, tôi trở lại Sài Gòn nơi ấy tôi còn có gia đình của mình với Gấu mẹ và hai gấu con đang chờ. Hành lý trở về (hay ra đi ?!) ngoài tư trang cá nhân tôi còn mang theo rất nhiều quà , toàn là sản vật quê  nào là bột sắn dây, đậu xanh, bánh nhãn…Một va-li lèn chặt thêm hai túi xách to đùng, vì đi có một mình nhưng không dám khước từ vì tôi biết ẩn sau những món quà mộc mạc chân quê ấy  là tấm lòng của người thân, bạn bè . Không  ai biết được đêm  trước hôm lên đường, tôi lặng lẽ ra vườn  đào lên rồi gói cẩn thận một bịch đất trong vườn giấu kỹ trong va-li, định bụng hôm nào trở lại Sài Gòn tôi sẽ cho số đất này vào chậu rồi trồng  lên một cây gì đó .
Từ Nội Bài máy bay cất cánh, bên ô cửa sổ  phố phường, làng mạc bên dưới hiện ra bao la đẹp và thanh bình, tôi cố nghiêng đầu tìm xem Hải Hậu quê tôi ở đâu. Chỗ nào cũng màu xanh như nhau ! Quê hương mình rộng quá .
Hơn giờ đồng hồ nữa tôi sẽ có mặt ở Sài Gòn rồi ! sẽ gặp lại gia đình nhỏ và những bạn bè tôi, ở đó công việc và cuộc sống đang chờ đợi.
Lòng miên man với bao cảm xúc tôi chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
“Khi ta ở chỉ là nơi đất  ở - Khi ta đi đất  đã hóa tâm hồn”

Thế Nhân - Hải Cường, Tết Canh Dần - 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét