Đúng theo lời dặn của cô nhân viên bán vé máy bay Vietnam Airlines có nụ cười và cái núm đồng tiền chết người, tôi ra sân bay sớm hơn 2 tiếng đồng hồ so với giờ bay ghi trên vé. “Đồng tiền đi trước đồng tiền khôn” quả không sai, chả bù với năm ngoái do cập rập không chuẩn bị, cuối năm múc đại vé Facific Airlines, ngồi mọc rễ trong phòng chờ với điệp khúc “Xin lỗi …Vì lý do kỹ thuật…” mà muốn nhồi máu cơ tim. Còn lần này, khà…khà bay sớm hơn 30 phút lận.Xuống sân bay Nội Bài nhờ thằng cháu kêu taxi vào tận cửa ga đón, lớ quớ thế nào cậu tài xế bị CA quất cho 2 xị . Đường về năm nay mất vài đoạn đang thi công dang dở bụi mù, còn lại đạp ga vô tư. Trừ những ngôn từ không có trong từ điển mà cậu tài xế trẻ quăng vào “ mấy thằng bựa” tuổi sàn sàn như cậu ta tống 3 trên con Air Blade cứ đảo qua đảo lại trước đầu xe, (chắc cậu ta còn ấm ức vì bị “đóng tiền ngu” do không nhìn thấy cái biển báo mới cắm kiểu đánh đố như lời hắn nói) thì quãng đường về quê lần này khá là oke !Về quê bao giờ chẳng vui, năm nay nhà tôi lại càng vui vì 7 anh em trai và cô em gái cùng kéo về một lượt, mỗi đứa trong chúng tôi lại kéo theo rờ mọc (1 vợ + 1 con có người 2 nhóc luôn) tổng cộng 24 mạng trong căn nhà 5 gian, hơi bị đông ! may thời hiện đại có kế hoạch hóa, chứ cứ phát huy truyền thống như các cụ quân số giờ chả biết là bi nhiêu , chỗ đâu mà ngủ !
Vui nhất là mấy chị em dâu, thành phần đủ ba miền, lâu mới có dịp gặp nhau thôi thì đủ chuyện, mấy bà tụm lại to nhỏ, thỉnh thoảng cười như vỡ chợ , lúc thấy mình lại gần, tần số âm thanh giảm đột ngột, dám chắc trong 7 anh em trai tôi có tên nào đó đang bị tố .
Sư tử nhà tôi người miền Nam trong lúc trò chuyện với bà dâu trưởng người Bắc khen :
- Tóc chị có “uống” gì không mà sao thấy nhiều dzậy ?”
Bà dâu trưởng trả lời :
- Không ! trước giờ chị chả phải uống thuốc men gì cả, tóc chị trước giờ vẫn thế !
Vợ tôi phải đưa tay kẹp vào lọn tóc trên đầu cuốn lại miệng nói :
- Không phải , ý em hỏi là chị có đi tiệm “uống” “uống” như zậy không ?
Bà dâu trưởng giờ mới hiểu cười phá lên :
- À, thì ra vậy, tóc chị cong tự nhiên chứ có uốn gì đâu !
Còn cô dâu người Tây Ninh trong lúc tâm sự nói về các món ăn, hỏi mẹ :
- Mẹ có ăn được “ớt” xào không ?
- Không ! mẹ không ăn quen đâu, “ớt “ cay lắm
- Không phải ! Thịt “ớt” chứ không phải trái ớt, con “ớt” nó kêu ợt ợt đó mẹ !
Tội nghiệp bà cụ do tuổi tác, tai không còn chuẩn cộng với sự khác nhau trong phát âm vùng miền mà cả nhà lại được trận cười nghiêng ngả.
Sống thành thị điệp trùng phố xá đất chật người đông, nhất nhất hột muối cọng tăm đều phải mua. Về quê thì khác
Rau nhà giồng cả vườn, ăn không hết thì bán
Rẻ rề, chỉ có vài ngàn một bắp như này !
Những giàn cà chua trĩu quả
Từng đàn gà lúc quanh quẩn trong sân, khi rượt nhau khắp vườn
Dưới ao mùa lạnh im lìm mặt nước, vậy mà chỉ cần một tay lưới,
hai người hai đầu men theo bờ ao, kéo đến đâu cá phóng vèo vèo qua giềng lưới đến đấy,
còn lại chú nào hàng ngày lười thể thao thì số phận vào thùng.
Người ta gọi là Ăn Tết thật chí lý , sáng sớm lo chuẩn bị bữa trưa, chiều lo chuẩn bị bữa tối. Vậy mà vui ! Lúc trải chiếu, dọn mâm, anh em ngồi xếp bằng (mấy ông bụng bự lo mà nới trước thắt lưng ra một vài nấc cho thả mái). Ngoài trời lạnh 15, 16 độ, trong nhà khói nghi ngút bốc lên từ những món ăn vừa mới dọn ra, tiếng chạm ly lách cách, lời chúc tụng mộc mạc chân tình, tiếng trẻ con mè nheo nhõng nhẽo, tiếng đe nẹt con chó con mèo lởn vởn vòng ngoài tìm cơ hội kiếm chác… Âm thanh ấy, hình ảnh ấy cho dù đi đến chân trời góc biển nào cũng không thể tìm thấy như trên chính quê hương mình. Phải chăng chính nó là một phần tác nhân níu kéo bước chân những kẻ tha hương mỗi năm lại quay về cố hương như loài chim di trú, như loài cá hồi từ biển vượt ngàn cây số về nơi cội ngồn xa xôi ...